Việt Nam thiếu nhân sự được đào tạo bài bản về trí tuệ nhân tạo
Nguồn nhân lực công nghệ cao được xem là hạt nhân thúc đẩy sự phát triển những ngành kinh tế mũi nhọn như công nghệ thông tin, điện hạt nhân, công nghệ gen... Theo thống kê, cả nước hiện có khoảng 300 trường đại học, cao đẳng đào tạo các chuyên ngành công nghệ cao về công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu và gần 200 trường đại học, cao đẳng đào tạo các ngành công nghệ cao trình độ cao đẳng. Nhưng số sinh viên học tập tại các trường đại học, cao đẳng khi ra trường có thể làm được việc trong các lĩnh vực được đào tạo không nhiều.
Nói về vấn đề nhân sự công nghệ cao trong lĩnh vực AI và các công nghệ tiên phong, tại buổi tọa đàm “Ứng xử của truyền thông với công nghệ tiên phong" diễn ra chiều 5/10 do Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học và công nghệ (NATEC), Văn phòng đề án 844, Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia (NSSC), phối hợp cùng Làng Công nghệ tiên phong, Làng Công nghệ Giải trí - Truyền thông tổ chức, ông Thức Vũ – Fouder của OhmniLabs cho biết, theo thống kê trong tổng số hơn 110.000 kỹ sư công nghệ thông tin tốt nghiệp mỗi năm tại các trường đại học, cao đẳng thì chỉ có khoảng 10% sinh viên phục vụ tốt trong ngành này. Và trong số 10% đó chỉ có 10% theo đuổi ngành AI (trí tuệ nhân tạo). Trong số đó chỉ có 4.000 sinh viên được đào tạo AI một cách bài bản. Con số này quá ít so với các quốc gia khác như Mỹ và Trung Quốc.
Cũng theo ông Vũ, AI hay Blockchain đang là những công nghệ bùng nổ, là cơ hội vàng giúp cho Việt Nam có thể bắt kịp một số nước trong lĩnh vực này. Nếu như chúng ta bỏ lỡ "giai đoạn vàng" này thì chỉ trong vòng 2-3 năm tới các nước như Ấn Độ, Trung Quốc sẽ bỏ xa Việt Nam.
Từ đó, ông Vũ cho rằng khó khăn trước mắt là làm sao có thể đưa được các chương trình giáo dục về các lĩnh vực trên cho các bạn trẻ, các kỹ sư tiếp cận được để từ đó đóng góp vào việc phát triển các công nghệ tiên phong.
Theo ông Thức Vũ – Fouder OhmniLabs cho biết, số lượng nhân sự ở Việt Nam được đào tạo bài bản về AI còn quá ít so với tiềm năng.
Đồng ý với quan điểm trên, ông Bùi Hải Hưng – Viện trưởng Viện nghiên cứu VinAI Research cho biết, trên thực tế số lượng các bạn trẻ sau khi tốt nghiệp nắm vững được công nghệ AI và có thể làm việc được với các công ty công nghệ lớn trong quá trình phát triển các sản phẩm hữu ích còn rất ít.
Theo ông Hưng, do một số nguyên do khách quan trong việc giáo dục và đào tạo các bạn trẻ về năng lực AI trong lúc các bạn trên ghế nhà trường cũng như một số kỹ năng khác về nắm bắt thị trường trong quá trình phát triển sản phẩm.
Các bạn trẻ Việt Nam đều có năng lực rất tốt, hoàn toàn có thể nắm bắt được những công nghệ phức tạp một cách nhanh chóng. Chỉ trong một thời gian ngắn, các bạn có thể tham gia vào các công trình nghiên cứu không chỉ mang tầm quốc tế mà còn mang tính chất đẳng cấp số 1 thế giới.
Đây có thể nói là tín hiệu lạc quan cho năng lực phát triển AI của Việt Nam trong tương lai. Sẽ có rất nhiều việc phải làm trong việc nâng cao năng lực giáo dục AI tại Việt Nam, cũng như chuẩn bị cho các bạn sinh viên tốt nghiệp có thể tham gia nghiên cứu để phát triển sản phẩm cũng như tạo ra được các thế hệ mới, thế hệ tiếp theo để các bạn trẻ có thể thực sự có được những bứt phá về công nghệ AI của Việt Nam.
Còn ông Thiều Phương Nam - Tổng giám đốc Qualcomm Việt Nam và Lào, Campuchia cho rằng, việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến trong thời gian tới chính là chìa khóa quan trọng để thúc đẩy kinh tế. Điều này giúp chuyển đổi kinh tế Việt Nam từ ngành công nghệ giá trị thấp lên ngành công nghệ giá trị cao.
Lấy dẫn chứng về nền tảng công nghệ 5G đang phát triển trên toàn cầu, ông Thiều Phương Nam cho biết, công nghệ này trong tương lai sẽ tạo ra giá trị kinh tế khoảng 13.200 tỷ USD cho toàn thế giới vào năm 2035 và tạo ra cơ hội việc làm cho khoảng hơn 200 triệu người. Cùng với đó nền kinh tế số của Việt Nam cũng sẽ tạo ra cho nước ta khoảng 30 tỷ USD vào năm 2015.
Bên cạnh đó, việc ứng dụng các công nghệ mới như AI, 5G, IoT sẽ giúp các quốc gia chuyển dịch từ nền kinh tế sản xuất sang nền kinh tế sáng tạo.
Chính vì vậy việc tập trung đào tạo cho thế hệ trẻ Việt Nam về lĩnh vực này là hết sức quan trọng và cần thiết. Trong quá trình Qualcomm làm việc với các đối tác Việt Nam thời gian qua, ông Thiều Phương Nam đã rất ấn tượng với năng lực của các kỹ sư và các chuyên gia của Việt Nam. Từ các chương trình tìm kiếm các ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo do Qualcomm tổ chức những sản phẩm của Việt Nam đều rất ấn tượng và mang tầm đẳng cấp thế giới.
Thời gian tới Qualcomm sẽ tập trung nhiều hơn trong việc hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam, tích cực tổ chức nhiều sự kiện hơn tại Việt Nam nhằm chia sẻ về các sáng kiến, phát minh với Việt Nam để các doanh nghiệp trong nước có thể tiếp cận được với các công nghệ mới nhất trên thế giới để có thể hoàn thiện được sản phẩm đưa ra thị trường.
Huyền Phạm
VTEC là đơn vị có nhiều năm kinh nghiệm trong việc cung cấp các giải pháp CNTT trong các lĩnh vực giáo dục, chính phủ điện tử và số hóa doanh nghiệp. Để hợp tác triển khai các giải pháp CNTT, mời quý khách liên hệ với chúng tôi: - Email: contact@vtec.com.vn - Hotline: 0989.602.705 Trân trọng được hợp tác cùng Quý đối tác ! |