'Ứng vạn biến' trong phòng, chống dịch COVID-19
Tại tâm dịch ở TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, tỷ lệ nhiễm và tử vong giảm sâu. An sinh xã hội, đời sống nhân dân ở những nơi thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách cơ bản được bảo đảm; trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Nhìn lại bài học kinh nghiệm vừa qua là cơ sở để chúng ta vững tin thực hiện mục tiêu mới.
Bộ đội Quân khu 7 đưa lượng thực, thực phẩm đến tận nhà người lao động nghèo ở những nơi bị phong tỏa. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN
“Dĩ bất biến, ứng vạn biến” là câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuộc trao đổi với cụ Huỳnh Thúc Kháng ngày 31/5/1946 trước khi Người có chuyên công du sang Pháp. Đã có nhiều người luận giải, nhưng tựu chung lại có thể hiểu cái bất biến ở đây là sự kiên định, nhất quán, có tính nguyên tắc, vững vàng, không thay đổi, không dao động. Nhưng biện pháp, cách thức thì mềm dẻo linh hoạt cho phù hợp với tình thế đổi thay khôn lường. Đây cũng là một trong những quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của cách mạng Việt Nam được Đảng ta vận dụng linh hoạt, sáng tạo trong phương pháp cách mạng ở từng giai đoạn lịch sử cụ thể, đưa cách mạng Việt Nam vượt qua khó khăn, thử thách, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Trong gần 2 năm qua, quan điểm “dĩ bất biến, ứng vạn biến” lại được Đảng và Nhà nước ta vận dụng để chống chọi với đại dịch COVID-19 chưa từng có tiền lệ. Trên tinh thần “chống dịch như chống giặc”, đặt sức khỏe, tính mạng của nhân dân lên trên hết, trước hết, chúng ta đã huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị cùng tham gia phòng, chống dịch dựa vào 5 nguyên tắc cơ bản là ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng dập dịch, điều trị. Trong 3 đợt dịch đầu tiên, công thức 5K đã thành công trong phòng, chống với các chủng virus ban đầu.
Trong đợt dịch thứ 4, biến chủng Delta đã làm đảo ngược các thành quả phòng chống dịch không chỉ của nước ta mà cả thế giới. Do chưa hiểu rõ về biến chủng này, chưa dự báo được tính chất nguy hiểm và lây lan nhanh, nhất là đối với khu đô thị, khu công nghiệp, nơi có mật độ dân cư cao… nên công tác phòng, chống dịch thời gian đầu còn bị động, lúng túng ở các cấp, các ngành; chưa linh hoạt điều chỉnh các biện pháp phù hợp, hiệu quả, nhất là khi dịch bùng phát tại TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.
Trong tình thế này, phương châm “ứng vạn biến“ lại được vận dụng trong quá trình chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Ban Chỉ đạo Quốc gia và các địa phương đã kế thừa các nguyên tắc, biện pháp được áp dụng trong các đợt dịch trước; đúc kết các bài học kinh nghiệm từ thực tiễn, kinh nghiệm của thế giới và ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, để bổ sung và hình thành công thức trong phòng, chống dịch: 5K + vắc xin, thuốc điều trị + công nghệ + ý thức của nhân dân với các trụ cột: xét nghiệm, cách ly, điều trị; đồng thời kết hợp hài hòa giữa phòng ngự và tấn công.
Tại cuộc họp trực tuyến kết nối tới 10.400 xã, phường, thị trấn; 705 quận, huyện, thị xã, thành phố và 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã chỉ đạo phải nhất quán, kiên trì trong lãnh đạo, chỉ đạo, song áp dụng linh hoạt vừa tập trung, vừa phân tán căn cứ đặc thù của từng địa phương, thời điểm. Việc phân cấp thực hiện phòng, chống dịch phải xuống tận cơ sở, lấy xã, phường, thị trấn là “pháo đài”, người dân là “chiến sĩ”, người dân vừa là trung tâm, vừa là chủ thể trong phòng, chống dịch.
Thực hiện kết luận chỉ đạo của Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Lãnh đạo chủ chốt, Thường trực Ban Bí thư, lời kêu gọi của Tổng Bí thư, các Nghị quyết của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các Nghị quyết, Chỉ thị, Công điện về phòng, chống dịch; kiện toàn Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 có mở rộng thành phần, do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban; thành lập các Tiểu ban và ban hành Quy chế làm việc. Các tỉnh, thành phố cũng đã kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 và thành lập Trung tâm chỉ huy các cấp.
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho công nhân, người lao động tại khu công nghiệp Quang Minh (Hà Nội). Ảnh: TTXVN
Các địa phương căn cứ vào tình hình dịch bệnh đã thực hiện Chỉ thị 15, 16 và lần đầu tiên thực hiện tăng cường giãn cách xã hội trên toàn TP Hồ Chí Minh và một số địa bàn của các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An với một số biện pháp tương tự như tình trạng khẩn cấp. Cơ quan chức năng đã thực hiện truy vết, khoanh vùng, cách ly, giãn cách xã hội trên diện rộng. Giãn cách xã hội đi liền với xét nghiệm nhanh, xét nghiệm thần tốc, nhanh hơn tốc độ lây lan để chủ động các biện pháp phòng, chống dịch, hạn chế giãn cách kéo dài làm ảnh hưởng đến đời sống nhân dân và phát triển kinh tế xã hội.
Hệ thống điều trị được thiết lập bao gồm các trung tâm hồi sức tích cực, bệnh viện dã chiến, đặc biệt là thành lập các trạm y tế lưu động ngay tại xã, phường, thị trấn để người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế từ sớm, từ xa, ngay tại cơ sở. Người mắc COVID-19 không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ được cách ly và điều trị tại nhà; áp dụng các phương pháp điều trị sớm, điều trị bằng thuốc mới có kiểm soát và kết hợp Đông - Tây y. Một lực lượng lớn nhân lực của y tế, quân đội, công an với gần 300.000 lượt cán bộ của Trung ương và các địa phương đã lên đường hỗ trợ cho TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và nhiều địa phương khác đang có dịch.
Về chiến lược vaccine, Quỹ vaccine phòng COVID được thành lập và đến đầu tháng 10 đã huy động được gần 8.700 tỷ đồng. Tổ ngoại giao vaccine được thành lập. Chiến dịch tiêm chủng vaccine quy mô lớn nhất từ trước đến nay đã được triển khai. Đặc biệt, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã trao đổi với lãnh đạo các nước, tổ chức quốc tế thúc đẩy việc mua vaccine cho Việt Nam. Nhờ vậy, đến ngày 3/10/2021, chúng ta đã tiêm được gần 45,5 triệu liều, tỷ lệ tiêm ít nhất 1 mũi cho người từ 18 tuổi trở lên là hơn 44%. Cũng phải nói thêm, trên trang mạng nước ngoài đã từng nhận định Việt Nam phải mất 10 năm mới đạt mục tiêu tiêm chủng khi so sánh với nước Anh có hệ thống y tế phát triển, nguồn vaccine dồi dào mà cao điểm cũng chỉ đạt 300.000 – 400.000 mũi tiêm/ngày. Nhưng thực tế từ tháng 7/2021 đến nay, dù xuất phát điểm thấp nhưng tốc độ tiêm chủng của Việt Nam đã cao hơn trung bình thế giới 30%.
Đối với áp dụng công nghệ, chúng ta cũng đã tạo nên sự thay đổi chưa từng có so với trước đây. Hệ thống khám chữa bệnh đã được kết nối đến tất cả các quận, huyện; kết nối điều hành chỉ huy tới gần 100% các xã, phường, thị trấn. Triển khai các ứng dụng tiêm chủng trực tuyến, truy vết, khai báo y tế; từng bước liên thông dữ liệu và hợp nhất các ứng dụng thành ứng dụng phòng, chống COVID-19 duy nhất (PC-COVID) để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân.
Không thể kể hết những giải pháp phòng chống dịch hiệu quả khác đã được các cấp, các ngành, đoàn thể và nhân dân sáng tạo áp dụng theo phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Đó cũng là cơ sở để chúng ta đặt mục tiêu đưa cả nước trở lại trạng thái bình thường mới từ tháng 12/2021 trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 dựa trên các nguyên tắc “y tế là trụ cột, trung tâm; kinh tế là cơ sở, nền tảng; dữ liệu, khoa học, công nghệ là then chốt; ổn định chính trị, xã hội là trọng yếu, thường xuyên; vaccine, thuốc chữa bệnh và ý thức của người dân là điều kiện tiên quyết; an toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn”.
Trần Ngọc Tú