Ứng dụng duy nhất phòng chống dịch COVID-19, người không có smartphone phải làm thế nào?

'PC-Covid Quốc gia' là ứng dụng duy nhất phục vụ phòng, chống dịch COVID-19, sẽ thay thế cho toàn bộ các ứng dụng chống dịch trước đây.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của Ban chỉ đạo phòng, chống COVID-19 quốc gia về việc xây dựng một ứng dụng thống nhất phòng, chống dịch, Bộ TT&TT đã chỉ đạo Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch COVID-19 khẩn trương phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Công an, các doanh nghiệp công nghệ và những đơn vị liên quan xây dựng ứng dụng PC-Covid Quốc gia.

Trong thời gian tới, ứng dụng PC-Covid Quốc gia là ứng dụng thống nhất cho mục đích phòng, chống dịch COVID-19.

Theo Trung tâm công nghệ phòng, chống COVID-19 quốc gia (Trung tâm Công nghệ), ứng dụng gồm có 9 tính năng chính:

Giao diện ứng dụng PC-Covid Quốc gia.

- Thẻ COVID-19;

- Khai báo y tế;

- Khai báo di chuyển nội địa;

- Thông tin tiêm vaccine, xét nghiệm;

- Cấp, quản lý mã QR cá nhân và địa điểm;

- Quét mã QR;

- Truy vết tiếp xúc gần,

- Bản đồ nguy cơ

- Phản ánh.

Ứng dụng hiện đã có mặt trên hai kho ứng dụng của Apple Store và Google Store để người sử dụng tải về.

Đối với những người đã tải các ứng dụng phòng, chống dịch COVID-19 được khuyến cáo bởi Bộ TT&TT, Bộ Y tế như Bluezone, NCOVI... khi cập nhật lên phiên bản mới nhất sẽ tự động chuyển về ứng dụng thống nhất là PC-Covid Quốc gia. Dữ liệu từ các ứng dụng cũ sẽ hiển thị trên PC-Covid Quốc gia, không đòi hỏi người dùng khai báo lại từ đầu.

Theo đại diện Trung tâm Công nghệ, PC-Covid đã được kết nối, liên thông với 4 cơ sở dữ liệu quan trọng gồm:

- Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (do Bộ Công an quản lý);

- Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm (do Bảo hiểm xã hội Việt Nam quản lý);

- Cơ sở dữ liệu quốc gia về tiêm chủng, phòng ngừa COVID-19 (do Bộ Y tế quản lý);

- Cơ sở dữ liệu về xét nghiệm COVID-19.

Ứng dụng PC-Covid có 7 nền tảng phục vụ phòng chống dịch COVID-19, khép kín quá trình phục vụ, chăm sóc y tế người mắc COVID-19. Cụ thể: Nền tảng khai báo y tế, Nền tảng xử lý phản ánh, Nền tảng quản lý ra vào bằng mã QR, Nền tảng hỗ trợ lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm trực tuyến, Nền tảng hỗ trợ truy vết, Nền tảng quản lý cách ly và Nền tảng quản lý tiêm chủng.

Bộ TT&TT cho biết sẽ tổ chức tập huấn về PC-Covid theo hình thức trực tuyến đến 63 tỉnh, thành trên cả nước; thành lập 63 đoàn công tác để hỗ trợ các địa phương triển khai ứng dụng PC-Covid.

Người không có smartphone phải làm thế nào?

Với những người dân không sử dụng điện thoại thông minh, các chuyên gia cho biết có thể khai báo trực tiếp trên nền tảng website hoặc nhờ người khác đăng ký trên ứng dụng. Sau đó, người dùng in mã QR được cấp và mang theo khi di chuyển.

Đối với trường hợp không có mạng Internet, ứng dụng PC-Covid Quốc gia có cơ chế lưu dữ liệu đệm, tải mã QR về để có thể sử dụng khi không có kết nối mạng.

Vì sao đã tiêm 2 mũi vaccine nhưng chỉ hiển thị 1 mũi?

Liên quan đến vấn đề cung cấp dữ liệu của người dùng, Cục Viễn thông cho biết, tại các điểm tiêm chủng, có tình trạng nhiều người cung cấp ngày tháng năm sinh, số điện thoại, số thẻ căn cước công dân không chính xác, hoặc một người khai hộ thông tin cho nhiều người.

Đây là một trong những lý do tại sao một số người đã tiêm hai mũi vaccine nhưng hệ thống chỉ ghi nhận một mũi vaccine vì chỉ cần sai một số liệu về thông tin cá nhân thì hệ thống sẽ nhận diện thành hai người khác nhau.

Mời bạn đọc xem video đang được quan tâm:

Đỗ Vi