Tổng Công ty Điện lực miền Trung: Đẩy mạnh chuyển đổi số phục vụ khách hàng
Riêng đối với lĩnh vực quản lý kỹ thuật và dịch vụ khách hàng, Tổng Công ty Điện lực miền Trung đã triển khai chương trình này và mang lại hiệu quả thiết thực.
Cách đây mấy tháng, gia đình bà Huỳnh Thị Cẩm Sa ở đường Tôn Đản, phường Hòa An, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng bất ngờ khi tiền điện tăng cao bất thường. Gia đình bà Sa có 8 người, trung bình mỗi tháng phải trả khoảng 1,5 triệu đồng tiền điện. Thế nhưng, vừa qua tiền điện lên 2,5 triệu đồng, bà rất phân vân. Ngay sau đó, Công ty Điện lực Đà Nẵng đã cử nhân viên kỹ thuật đến kiểm tra và phát hiện dây dẫn phía sau đồng hồ ghi số điện bị chạm, rò rỉ điện khiến số điện tiêu thụ tăng cao bất thường. Bà Huỳnh Thị Cẩm Sa cho biết, ngành điện đã khắc phục sự cố này giúp bà.
“Nhà tôi đông, một tháng tiền điện là 1,5 triệu đồng. Trước kia khi chưa xử lý bị hao hụt là hơn 2 triệu đồng. Hiện tại tiền điện còn 1,2 triệu đồng và cao nhất là 1,5 triệu đồng. Điện lực xuống kiểm tra, đường dây nào điện bị hao hụt thì xử lý” - bà Huỳnh Thị Cẩm Sa nói.
Nhân viên Điện lực hướng dẫn khách hàng cách kiểm tra thông tin tiêu thụ điện trên thiết bị điện tử.
Theo thống kê từ Công ty TNHH Một thành viên Điện lực Đà Nẵng, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thành phố đã ghi nhận gần 90 trường hợp bị rò rỉ, hao hụt điện do đường dây bị chạm, kịp thời xử lý cho khách hàng, tránh mất tiền không đúng.
Theo ông Bùi Đỗ Quốc Huy, Phó Giám đốc Kinh doanh Công ty TNHH Một thành viên Điện lực Đà Nẵng, hiện nay, đơn vị đã áp dụng nhiều mô hình tự động ứng dụng công nghệ, giúp giảm bớt chi phí, nhân lực và nâng cao hiệu quả vận hành. Cụ thể, Công ty đã hoàn thành tự động hóa và điều khiển xa cho 100% trạm biến áp 110 kV trên địa bàn quản lý; đồng thời tự động hóa lưới điện phân phối tại 39/89 xuất tuyến trung áp, tiến tới mục tiêu cơ bản hoàn thành trên lưới điện Đà Nẵng vào năm 2022.
Với việc tự động hóa lưới phân phối, khi có sự cố trên lưới điện, hệ thống ngay lập tức được kích hoạt và hoạt động tự động mà không cần sự can thiệp của nhân viên vận hành, khách hàng trong khu vực bị ảnh hưởng sẽ chỉ bị mất điện từ 11 - 22 giây trong thời gian hệ thống tự động hóa hoạt động, thay vì nửa tiếng hoặc 1 giờ đồng hồ như trước kia.
Không chỉ có ý nghĩa trong vận hành lưới điện phân phối theo lộ trình xây dựng lưới điện thông minh của TP. Đà Nẵng, hệ thống này mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, giảm thời gian mất điện, phục vụ khách hàng tốt hơn, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.
Hệ thống quản lý tự động tại Công ty TNHH Một Thành viên Điện lực Đà Nẵng.
Ông Bùi Đỗ Quốc Huy, Phó Giám đốc Kinh doanh Công ty TNHH Một thành viên Điện lực Đà Nẵng cho biết: “Trên nền tảng tra cứu chỉ số hàng ngày, PC Đà Nẵng tiếp tục phát triển tiện ích phát hiện sản lượng điện tăng đột biến, bất thường. Thông qua tiện ích, điện lực đã phát hiện sớm các khách hàng có sản lượng điện tăng cao bất thường, kịp thời thông báo và hỗ trợ khách hàng xử lý. Nhờ vậy, khách hàng đã giảm được đáng kể sản lượng điện thất thoát do rò rỉ, chạm chập, giảm chi phí tiền điện; và quan trọng hơn hết là khắc phục kịp thời nguy hiểm do mất an toàn điện”.
Thời gian gần đây, Tổng Công ty Điện lực miền Trung đẩy mạnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào quản lý, vận hành và bảo trì lưới điện, góp phần nâng cao hiệu quả, năng suất. Hiện nay, Tổng Công ty đang đang quản lý 134 trạm biến áp 110kV, 4.000 km đường dây 110kV, 30.000 km đường dây trung áp cùng gần 30 ngàn trạm biến áp phân phối. Việc hoàn thành số hóa dữ liệu các thiết bị trên lưới điện là một bước tiến rất lớn. Qua đó, có thể triển khai giải pháp sửa chữa, bảo dưỡng dựa trên tình trạng thiết bị, tối ưu hóa chi phí và hạn chế thời gian cắt điện.
Cùng với việc đã chuyển sang vận hành không người trực 100% trạm biến áp 110kV, điều khiển xa hoàn toàn qua các trung tâm điều khiển, việc hoàn thiện cơ sở dữ liệu để sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị điện theo tình trạng và theo thời gian là bước thay đổi rất lớn trong công tác quản lý vận hành lưới điện của Tổng Công ty Điện lực miền Trung.
Ông Nguyễn Thành, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực miền Trung cho biết, đơn vị cũng đã phát triển ứng dụng cảnh báo sản lượng điện tăng cao, cảnh báo kịp thời khách hàng khi xảy ra tình trạng điện bất thường về sản lượng tiêu thụ, qua đó, điều chỉnh việc sử dụng điện hoặc kiểm tra đường dây để phát hiện và xử lý sớm các điểm rò rỉ khiến điện năng thất thoát và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.
“Đối với những ứng dụng trí tuệ nhân tạo và thiết bị thông minh để hỗ trợ cho khách hàng, hỗ trợ cho quản lý lưới điện trung, hạ thế chúng tôi đã sử dụng rộng rãi các ứng dụng như là phát hiện rò rỉ điện ở hộ công tơ khách hàng. Tình trạng này rất nguy hiểm có thể gây tai nạn điện trong dân. Thứ hai là công tơ sẽ chạy rất nhanh dù vì không sử dụng điện nhưng vẫn tiêu tốn điện năng. Chúng tôi đã phát hiện kịp thời giúp khách hàng xử lý lại. Công trình này đã được Tập đoàn Điện lực Việt Nam áp dụng rộng rãi trong các đơn vị trong toàn Tập đoàn” - ông Nguyễn Thành nói./.
Thành Long/VOV-miền Trung
VTEC là đơn vị có nhiều năm kinh nghiệm trong việc cung cấp các giải pháp CNTT trong các lĩnh vực giáo dục, chính phủ điện tử và số hóa doanh nghiệp. Để hợp tác triển khai các giải pháp CNTT, mời quý khách liên hệ với chúng tôi: - Email: contact@vtec.com.vn - Hotline: 0989.602.705 Trân trọng được hợp tác cùng Quý đối tác ! |