Mỹ - EU hợp tác cung cấp chất bán dẫn, ngăn chặn hoạt động thương mại phi thị trường

Hôm 29/9, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) nhất trí hợp tác xuyên Đại Tây Dương nhằm thúc đẩy chuỗi cung ứng chất bán dẫn, có cách tiếp cận thống nhất để điều chỉnh các công ty công nghệ lớn.

Theo Reuters, trong cuộc họp khai mạc của Hội đồng Thương mại và Công nghệ (TTC) tại Pittsburgh hôm 29/9, các quan chức cấp cao của Mỹ và EU đã gặp nhau để thảo luận về tình trạng thiếu chất bán dẫn nghiêm trọng trên toàn cầu, trí tuệ nhân tạo (AI) và các vấn đề cạnh tranh công nghệ khác.

Các quan chức tham dự cuộc họp đầu tiên của TTC tại Pittsburgh, bang Pennsylvania gồm Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo và Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai cùng với Ủy viên thương mại EU Valdis Dombrovskis và Cao ủy châu Âu về Cạnh tranh Margrethe Vestager.

Các quan chức Mỹ và EU chụp ảnh tại lễ ra mắt Hội đồng Thương mại và Công nghệ ở Pittsburgh, Pennsylvania ngày 29/9. Ảnh: AFP

Tại cuộc họp, các quan chức cấp cao của Mỹ và EU cam kết hợp tác sàng lọc các khoản đầu tư vào kiểm soát xuất khẩu đối với các công nghệ nhạy cảm và AI.

Tuyên bố chung Mỹ - EU không đề cập đến Trung Quốc, song nêu rõ: "Chúng tôi sát cánh cùng nhau trong việc tiếp tục bảo vệ các doanh nghiệp, người tiêu dùng và người lao động khỏi các hành vi thương mại không công bằng, đặc biệt là những hành vi do các nền kinh tế phi thị trường gây ra, đang phá hoại hệ thống thương mại thế giới".

Cuộc gặp thương mại cấp cao giữa Mỹ và EU đã diễn ra không thuận lợi bởi phản ứng của Pháp. Các nhà ngoại giao EU cho biết, Pháp muốn có cuộc họp độc lập thứ hai vào mùa xuân năm 2022, thời điểm cuộc bầu cử tổng thống Pháp sẽ diễn ra. Paris cũng tìm cách loại bỏ nhận thức cho rằng mối quan hệ đối tác chuỗi cung ứng chất bán dẫn giữa EU và Mỹ là phụ thuộc lẫn nhau.

Tuy nhiên, tuyên bố chung Mỹ - EU cũng nhất trí tăng cường chuỗi cung ứng chất bán dẫn, ban đầu tập trung vào việc nới lỏng các nút thắt nguồn cung cấp ngắn hạn, sau đó là xác định các lỗ hổng dài hạn và "củng cố hệ sinh thái bán dẫn trong nước, từ nghiên cứu, thiết kế đến sản xuất, nhằm cải thiện khả năng phục hồi".

Hai bên cũng nhất trí sẽ phối hợp để tránh một cuộc chạy đua trợ cấp nhằm thu hút các khoản đầu tư vào chip và tìm kiếm "các ưu đãi phù hợp".

Các quan chức EU nói rằng cuộc họp tiếp theo của Hội đồng Thương mại và Công nghệ Mỹ - EU có thể sẽ diễn ra vào mùa xuân năm 2022 tại châu Âu.

Hợp tác kiểm soát các “ông lớn” công nghệ

Tại cuộc họp, cả Mỹ và EU đều có quan điểm thống nhất trong việc thực hiện các quy tắc nhằm hạn chế sự độc quyền của các hãng công nghệ lớn.

Tuyên bố chung giữa Mỹ và EU nhấn mạnh đến việc "cam kết hợp tác xuyên Đại Tây Dương liên quan đến các chính sách nền tảng tập trung vào thông tin sai lệch, an toàn sản phẩm, sản phẩm giả mạo và nội dung có hại khác".

Cao ủy châu Âu về Cạnh tranh Margrethe Vestager, người đã có lập trường cứng rắn đối với ngành công nghệ Mỹ trong nhiều năm, cho biết các cuộc thảo luận về AI là một trong những kết quả lớn nhất của cuộc họp đầu tiên của TTC.

Hội đồng công nghệ và thương mại mới đã thành lập 10 nhóm làm việc để tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực này, cũng như trong các vấn đề khí hậu và công nghệ sạch, an ninh công nghệ truyền thông…

Các quan chức EU nói rằng, tại cuộc họp ở Pittsburgh, hai bên không thảo luận về cuộc tranh chấp thương mại thép và nhôm giữa Mỹ và EU.

Trước đó, hồi tháng 6/2018, viện dẫn lý do an ninh quốc gia, chính quyền của cựu Tổng thống Donald Trump đã áp đặt mức thuế bổ sung 25% đối với thép và 10% đối với nhôm từ một số khu vực trên thế giới, bao gồm EU. Phía châu Âu nhanh chóng phản ứng bằng cách đánh thuế vào các mặt hàng nhập khẩu của Mỹ vào EU như xe máy Harley-Davidson, quần jeans Levi's, thuốc lá, ngô, gạo, nước cam.

Ủy viên thương mại EU Valdis Dombrovskis hôm 28/9 cho biết các cuộc thảo luận giải quyết tranh chấp thương mại về thép và nhôm giữa Mỹ và EU đang "tiến triển" và một thỏa thuận có thể đạt được vào đầu tháng 11 tới.

Mỹ và EU đều mong muốn đạt được thỏa thuận giải quyết tranh chấp thương mại về thép và nhôm trước ngày 1/12/2021.

Theo Ủy viên Valdis Dombrovskis, hai bên cần phải đạt được thỏa thuận vào đầu tháng 11 vì “chúng tôi chỉ có khoảng 1 tháng trước khi thuế quan tự động gia hạn”./.

Nguyễn Phương

VTEC là đơn vị tiên phong trong việc triển khai trong các giải pháp công nghệ mới, trong đó bao gồm các giải pháp tổng thể phần cứng, phần mềm CNTT, triển khai hạ tầng tin học viễn thông cho các công trình.
Để hợp tác triển khai các công nghệ mới, mời quý khách liên hệ với chúng tôi:
- Email: contact@vtec.com.vn
- Hotline: 0989.602.705