'Làn gió mới' trong quan hệ Mỹ-EU

Ý tưởng thành lập Hội đồng Thương mại và Công nghệ được đưa ra trong chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden tới châu Âu vào tháng Sáu, với tham vọng làm sâu sắc hơn mối quan hệ thương mại giữa hai bên.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và người đồng cấp Mỹ Joe Biden. Ảnh: AFP

Trong khuôn khổ Hội đồng Thương mại và Công nghệ (TTC) diễn ra tại Pittsburgh ngày 29/9 (giờ Mỹ), Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí tăng cường hợp tác xuyên Đại Tây Dương để thúc đẩy chuỗi cung ứng chất bán dẫn. Động thái này cho thấy quyết tâm của hai bên nhằm đi tới một cách tiếp cận thống nhất hơn để điều chỉnh các công ty công nghệ lớn trên quy mô toàn cầu.

* Nỗ lực vượt qua sự khác biệt

Ý tưởng thành lập Hội đồng được đưa ra trong chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Brussels (Bỉ) vào tháng Sáu vừa qua, với tham vọng làm sâu sắc hơn mối quan hệ thương mại giữa hai bên và tìm kiếm sự phối hợp trong các phương pháp tiếp cận công nghệ của Mỹ và châu Âu.

Diễn đàn có sự tham gia của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, Bộ trưởng Thương mại Gina Raimond, Đại diện Thương mại Katherine Tai và hai lãnh đạo EU là Margrethe Vestager, Phó Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC) phụ trách chương trình nghị sự kỹ thuật số và Valdis Dombrovskis, Phó Chủ tịch EC phụ trách Thương mại.

Các quan chức cấp cao của Nội các Mỹ và EU đã cam kết đẩy mạnh hợp tác trong việc sàng lọc đầu tư đối với hoạt động xuất khẩu các công nghệ lưỡng dụng nhạy cảm (là công nghệ có thể được sử dụng cho cả mục đích hòa bình và quân sự) và phát triển trí tuệ nhân tạo (AI).

Bản tuyên bố nhấn mạnh: "Chúng tôi sẽ sát cánh cùng nhau để tiếp tục bảo vệ doanh nghiệp, người tiêu dùng và người lao động khỏi những hành vi thương mại không công bằng, đặc biệt là những hành vi do các nền kinh tế phi thị trường gây ra".

Các nhà lãnh đạo tham dự cuộc họp đã gặp nhau tại một trung tâm phát triển công nghệ người máy và AI, được xây dựng bên trong khung xương rỉ sét của một nhà máy cán thép trước đây với các tấm pin Mặt Trời. Đây được coi là biểu tượng cho sự tái sinh của Pittsburgh với tư cách là một trung tâm công nghệ.

Tất cả những điều này cho thấy một điều đó là kỳ vọng về kết quả của cuộc họp TTC đầu tiên là không nhỏ, mặc dù bối cảnh chính trị của cuộc gặp không phải là lý tưởng. Nếu chỉ dành riêng cho Pháp, thì cuộc họp đầu tiên của TTC sẽ bị hoãn lại bởi Paris đang không hài lòng với Washington sau khi Australia hủy hợp đồng mua tàu ngầm với Pháp nhiều tỷ USD để ngả theo đề nghị của Mỹ, như một phần của quan hệ đối tác với Mỹ và Vương quốc Anh.

Mặc dù vậy, Mỹ và EU cuối cùng cũng đã vượt qua những khác biệt để ngồi lại và cùng đi đến một tuyên bố chung nhằm hướng tới việc cải thiện chuỗi cung ứng chất bán dẫn. Ban đầu, các biện pháp tập trung vào việc cải thiện các hạn chế nguồn cung ngắn hạn và sau đó là xác định các lỗ hổng dài hạn để "củng cố hệ sinh thái bán dẫn nội địa trong các khâu từ nghiên cứu, thiết kế đến sản xuất, với mục đích là cải thiện khả năng phục hồi".

Hai bên cho biết họ sẽ không sa đà vào một cuộc chạy đua về trợ cấp để thu hút các khoản đầu tư mà sẽ tìm kiếm "các động lực phù hợp”. Tuyên bố không nêu rõ khung thời gian cho cuộc họp TTC lần thứ hai, nhưng các quan chức EU cho biết điều này có thể sẽ diễn ra vào mùa Xuân năm 2022 tại châu Âu.

* Những vấn đề then chốt

Reuters là hãng tin đầu tiên tiết lộ nội dung bản dự thảo về cách tiếp cận thống nhất hơn giữa Mỹ và EU nhằm hạn chế sức mạnh thị trường ngày càng tăng của các Big Tech (chỉ các công ty công nghệ lớn). Đây cũng là nội dung bản tuyên bố chung cuối cùng.

Tuyên bố khẳng định: "Chúng tôi (Mỹ và EU) cam kết hợp tác xuyên Đại Tây Dương trong các chính sách nền tảng, tập trung vào việc xử lý các thông tin sai lệch, sự an toàn của sản phẩm, sản phẩm giả mạo và những nội dung có hại khác".

Trong bối cảnh Mỹ và châu Âu đang cố gắng kiềm chế sức mạnh ngày càng tăng của các công ty công nghệ lớn của Mỹ như Google của Alphabet, Facebook, Apple và Amazon, nội dung tuyên bố chung này nhiều khả năng sẽ khiến ngành công nghệ Mỹ gặp khó khăn hơn.

Phó Chủ tịch Margrethe Vestager, người đã có lập trường cứng rắn đối với ngành công nghệ Mỹ trong nhiều năm, cho biết nội dung về AI là một trong những kết quả lớn nhất của cuộc họp: "Có một sự đồng thuận giữa hai bên rằng trí tuệ nhân tạo đang trở nên ngày một đáng tin cậy, nếu được thực hiện theo một cách tiếp cận dựa trên đánh giá rủi ro”.

Cũng theo bản tuyên bố chung, 10 nhóm làm việc sẽ được thành lập để thảo luận về các chủ đề như kiểm soát đầu tư nước ngoài, trí tuệ nhân tạo, giám sát các nền tảng kỹ thuật số, hay tình trạng thiếu chất bán dẫn đang ảnh hưởng đến cả EU và Mỹ.

Bên cạnh đó, khí hậu và công nghệ sạch, bảo mật truyền thông cũng là những vấn đề khác được nhắc đến. Mặc dù vậy, một số nhóm thương mại công nghệ ở Washington cho biết Mỹ không muốn áp dụng cách tiếp cận như của châu Âu đối với lĩnh vực kỹ thuật số.

Trong khi đó, các quan chức EU cũng cho biết, những người tham gia cuộc họp đã né tránh việc thảo luận về việc các chính sách thuế quan của Mỹ đối với thép và nhôm đã khiến EU áp thuế trả đũa đối với rượu whisky bourbon và xe máy của Mỹ. Đây là một trong những tác nhân lớn nhất gây cản trở thương mại xuyên Đại Tây Dương.

Trước đó, hôm 28/9, Phó Chủ tịch Valdis Dombrovskis cho biết, hai bên không còn nhiều thời gian để đạt được thỏa thuận trước thời hạn cuối tháng 11. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo này cũng nói thêm rằng EU sẽ xem xét các thỏa thuận tương tự như của Canada và Mexico, khi các mức thuế thép và nhôm sang Mỹ được gỡ bỏ vào năm 2019./.

Phương Nga-Hương Giang

VTEC là đơn vị tiên phong trong việc triển khai trong các giải pháp công nghệ mới, trong đó bao gồm các giải pháp tổng thể phần cứng, phần mềm CNTT, triển khai hạ tầng tin học viễn thông cho các công trình.
Để hợp tác triển khai các công nghệ mới, mời quý khách liên hệ với chúng tôi:
- Email: contact@vtec.com.vn
- Hotline: 0989.602.705