Để người cao tuổi vững tin hòa nhập kỷ nguyên số
Robot ElliQ. Ảnh: robotics247.com
Dù không nhớ tiêu đề hay tên tác giả, nhưng cụ nhớ như in chủ đề của một bài thơ về sự bền bỉ và quyết tâm - những phẩm chất nổi bật cần có trong giai đoạn đại dịch đang làm thay đổi thế giới. Tương tự như ElliQ, nhiều sản phẩm công nghệ khác đã ra đời trên thế giới để đồng hành với người cao tuổi trong đời sống hằng ngày nói chung và trong đại dịch COVID-19 nói riêng. Chính bởi sự phát triển vượt bậc và vai trò ngày càng lớn của kỹ thuật số trong thế kỷ 21, Liên hợp quốc (LHQ) đã lựa chọn “Công bằng kỹ thuật số cho mọi lứa tuổi” làm chủ đề Ngày Quốc tế người cao tuổi 1/10 năm nay. Chủ đề này cũng một lần nữa khẳng định nhu cầu tiếp cận và tham gia có ý nghĩa vào thế giới số của người cao tuổi.
Theo LHQ, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đánh dấu bước đổi mới nhanh chóng của lĩnh vực kỹ thuật số. Tốc độ tăng trưởng theo cấp số nhân đã biến đổi tất cả các lĩnh vực trong xã hội, bao gồm cả cách chúng ta sống, làm việc và duy trì các mối quan hệ. Những tiến bộ công nghệ mang lại hy vọng lớn cho việc đẩy nhanh tiến độ đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững. Tuy nhiên, khi ngày càng có nhiều dịch vụ chuyển đổi sang hình thức trực tuyến, thì “những người ngoại tuyến” (không sử dụng công nghệ và Internet trong đời sống hằng ngày) lại càng có nguy cơ lạc lõng giữa thời đại số hóa vũ bão như hiện nay. Điều này liên quan nhiều hơn đến những người cao tuổi ít kết nối kỹ thuật số so với thanh niên và các nhóm tuổi khác.
Số liệu “Facts and Figures 2020” của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) chỉ ra rằng có khoảng 50% “dân số ngoại tuyến”. Sự tương phản rõ rệt được thể hiện giữa các nước phát triển nhất (87% người sử dụng công nghệ) và các nước kém phát triển nhất (chỉ khoảng 19% người dùng). Các báo cáo gần đây của ITU cũng cho thấy người cao tuổi gặp phải tình trạng bất bình đẳng về kỹ thuật số lớn hơn so với các nhóm khác trong xã hội. Họ thiếu khả năng tiếp cận công nghệ, hoặc thường không được hưởng lợi đầy đủ từ các cơ hội do tiến bộ công nghệ mang lại. Quá trình số hóa được đẩy mạnh trong đại dịch COVID-19 càng làm gia tăng sự bất bình đẳng này, khi nhiều người cao tuổi, vốn không rành công nghệ, phải chật vật để tiếp cận các dịch vụ số với mong muốn đăng ký khám chữa bệnh, đặt lịch tiêm chủng, lĩnh lương hưu hoặc mua hàng hóa trực tuyến.
Theo dữ liệu cuộc khảo sát các quyền cơ bản năm 2019, chỉ 20% người trả lời khảo sát từ 75 tuổi trở lên tại Liên minh châu Âu (EU) thỉnh thoảng tham gia các hoạt động trên Internet, so với 98% ở độ tuổi từ 16 đến 29. Có rất nhiều rào cản đối với việc người cao tuổi tiếp cận kỹ thuật số và sử dụng công nghệ, bao gồm sự suy giảm về nhận thức của người cao tuổi; thiếu quyền truy cập vào các thiết bị kỹ thuật số hoặc Internet, thiếu kỹ năng kỹ thuật số, kinh nghiệm và sự tự tin; đánh giá của các hãng công nghệ chưa phù hợp với nhu cầu và sở thích của người cao tuổi; hoặc thiết kế công nghệ không thể tiếp cận được khiến việc tương tác kỹ thuật số trở nên khó khăn hơn. Bên cạnh đó, tuy công nghệ bùng nổ nhưng đi liền với đó là các hình thức tội phạm mạng tinh vi ngày càng gia tăng. Các đối tượng xấu thường nhằm vào người cao tuổi hiểu biết hạn chế về công nghệ để thực hiện các vụ lừa đảo hòng chiếm đoạt tài sản. Tội phạm mạng cùng các thông tin sai lệch thậm chí còn đe dọa quyền con người, quyền riêng tư và sự an toàn của những người lớn tuổi. Tốc độ nhanh chóng của việc áp dụng công nghệ kỹ thuật số đã vượt xa chính sách và kế hoạch quản trị ở cấp quốc gia, khu vực cũng như toàn cầu. Do vậy, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đã đề ra một lộ trình tìm cách giải quyết những thách thức này, trong đó kêu gọi các nhà hoạch định chính sách trên thế giới chú trọng tới vai trò của việc giúp người dân nói chung và người cao tuổi nói riêng tiếp cận với kỹ thuật số một cách an toàn.
Các sáng kiến chính sách nhằm giúp người cao tuổi dễ dàng tiếp cận các công nghệ kỹ thuật số khả dụng (dịch vụ ngân hàng điện tử, thương mại điện tử, dịch vụ y tế từ xa…) với giá cả phải chăng cũng đã được nhiều quốc gia cân nhắc và triển khai. Tại Canada, Bộ Quy tắc ứng xử mới đã có hiệu lực vào năm nay, trong đó hướng dẫn các ngân hàng cung cấp các dịch vụ đáp ứng nhu cầu của người cao tuổi. Tại Slovenia, phương tiện ngân hàng di động cung cấp hỗ trợ trực tiếp cho người cao tuổi trong việc sử dụng điện thoại di động và các thiết bị kỹ thuật số khác để thực hiện các dịch vụ ngân hàng trực tuyến. Trong khi đó, Hội Chữ thập đỏ Serbia đã phát triển hướng dẫn chi tiết về việc sử dụng các dịch vụ Chính phủ điện tử cho người cao tuổi.
Trong giai đoạn đại dịch COVID-19, mô hình dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ xa (Telehealth/Telecare) cũng đã xuất hiện ở nhiều quốc gia... Trong điều kiện thiếu thốn trang thiết bị bảo hộ y tế và nguy cơ lây nhiễm COVID-19 khi đến nơi đông người ngồi chờ khám bệnh, việc tìm đến các dịch vụ Telehealth là một lựa chọn không chỉ an toàn mà còn hiệu quả. Bác sĩ Will Kimbrough, thuộc One Medical - nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế ban đầu của Mỹ - cho biết: “Công cụ này giúp bệnh nhân tiếp cận dịch vụ y tế từ xa một cách tiện lợi và thoải mái qua điện thoại và máy tính”. Ứng dụng chăm sóc sức khỏe từ xa của One Medical với tính năng “Treat Me Now” sẽ đưa ra những chẩn trị triệu chứng trên nền tảng kỹ thuật số đối với các bệnh phổ biến như phát ban, cảm lạnh/cúm, nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI)... Tính năng này cũng cho phép dễ dàng đặt cuộc hẹn, thay đơn thuốc, tiếp cận các hồ sơ sức khỏe và nhiều tiện ích khác... Nhìn chung, mô hình Telehealth được dự báo sẽ không chỉ là giải pháp tình thế trong khủng hoảng mà có thể sẽ trở thành một xu hướng thịnh hành trong tương lai.
Cũng với nỗ lực giúp người cao tuổi tiếp cận thế giới công nghệ, dự án Silver Surfer ở Luxembourg đã triển khai hoạt động trong đó các tình nguyện viên lớn tuổi được đào tạo đặc biệt về bảo mật Internet sẽ huấn luyện những người cao tuổi khác sử dụng công nghệ kỹ thuật số một cách an toàn và bảo mật. Tại Áo, thông qua dự án “Công nghệ trong thời gian ngắn”, những người trẻ tuổi sẽ cung cấp các khóa đào tạo cơ bản về cách sử dụng thiết bị để bàn và điện thoại thông minh cho những người lớn tuổi gần nhà. Ngoài ra, để hỗ trợ người cao tuổi cân nhắc ưu điểm và nhược điểm của việc sử dụng công nghệ kỹ thuật số, một dự án mới của Đức về trí tuệ nhân tạo (AI) đã cung cấp cho người cao tuổi cái nhìn cân bằng về việc sử dụng AI và cho phép họ đưa ra quyết định về việc sử dụng hoặc cách họ muốn sử dụng các công nghệ dựa trên AI trong cuộc sống hằng ngày.
Nắm bắt được xu thế người cao tuổi là khách hàng tiềm năng cho một thị trường công nghệ kỹ thuật số ngày càng phát triển, nhiều nhà sản xuất cũng đã tung ra thị trường từ các thiết bị trợ giúp, thiết bị theo dõi sức khỏe và sinh hoạt thông minh, đến những kỹ thuật hiện đại trong lĩnh vực y tế... Năm ngoái, trong giai đoạn dịch bệnh, nền tảng Cera Care của “nhà cung cấp dịch vụ điều dưỡng ứng dụng công nghệ” cùng tên ở Anh đã thu hút đông đảo khách hàng là người cao tuổi. Hiện doanh nghiệp này cung cấp khoảng nửa triệu lượt chăm sóc tại nhà mỗi tháng. Khác với các viện dưỡng lão truyền thống, nền tảng Cera Care cho phép thuê dịch vụ chăm sóc người cao tuổi tại nhà bằng cách kết nối người có nhu cầu với những người chăm sóc chuyên nghiệp, tương tự tìm người giúp việc theo giờ.
Cera Care còn liên kết với hãng cung cấp dịch vụ vận tải công nghệ Uber để đưa đón người già từ nhà riêng đến bệnh viện theo lịch khám bệnh định kỳ và sử dụng một dịch vụ giao hàng khác để gửi thuốc đến tận nhà.
Cera Care không phải là công ty duy nhất ứng dụng công nghệ để giúp người cao tuổi có cuộc sống độc lập và khỏe mạnh. Các thiết bị trợ thính hiện đại nhất ngày nay đã được tích hợp tính năng phát hiện té ngã. Alfred, một quản gia ảo do EU phát triển, có thể tương tác với người cao tuổi và hướng dẫn họ thực hiện các bài tập thăng bằng cũng như rèn luyện thể chất hằng ngày. Xe tập đi thông minh LEA của một công ty Hà Lan có tính năng tự tránh chướng ngại vật, thiết kế bài tập, giúp nhặt đồ vật dưới đất và thậm chí trở thành bạn nhảy của người sử dụng...
Các mô hình ứng dụng công nghệ kỹ thuật số hướng đến người cao tuổi được dự báo sẽ ngày càng trở nên phổ biến trước tình trạng giá hóa dân số thế giới. Tuy nhiên, khoảng cách kỹ thuật số vẫn tồn tại giữa các quốc gia, cộng đồng và các thế hệ. Tạo điều kiện cho tất cả người dân trên thế giới, trong đó có người cao tuổi, tiếp cận và sử dụng các công nghệ kỹ thuật số cũng như thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số giữa những người có sẵn điều kiện sử dụng máy tính, các thiết bị hiện đại và mạng Internet với những người không có được các điều kiện này, vẫn là những "bài toán" cần tìm lời giải nếu cộng đồng quốc tế mong muốn đạt được các mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030.
Minh Tâm (TTXVN)
VTEC Software là đơn vị có nhiều năm kinh nghiệm trong việc triển khai chuyển đổi số trong các lĩnh vực giáo dục, chính phủ điện tử và số hóa doanh nghiệp. Để hợp tác triển khai chuyển đổi số quý đơn vị, xin mời liên hệ với chúng tôi: - Email: contact@vtec.com.vn - Hotline: 0989.602.705 |