Đẩy mạnh chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới

Ứng dụng công nghệ số được xem là chìa khóa mở ra tương lai mới cho nông nghiệp, chấm dứt mô hình sản xuất nhỏ lẻ, kém hiệu quả và thiếu liên kết chuỗi giá trị kéo dài suốt nhiều năm nay. Tuy nhiên, để chuyển đổi số thực sự phát huy thế mạnh trong xây dựng nông thôn mới (NTM), cần sự kết hợp của cả chính sách và trình độ dân trí nhằm bảo đảm chuyển đổi số thành công.

Mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao của HTX Âu Việt farm tại tỉnh Hải Dương. (Ảnh: Sơn Hà)

Những kết quả tích cực từ chuyển đổi số

Số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) cho biết, tính đến thời điểm hiện tại tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 ở nông thôn còn rất thấp (dưới 10%), nhiều địa phương chưa xây dựng được hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu quan trọng như dân cư, đất đai, chưa đưa được sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử… do còn thiếu nguồn lực tài chính, con người cho triển khai chuyển đổi số.

Ghi nhận tại tỉnh Hà Tĩnh, để không “lỡ chuyến tàu” thực hiện chuyển đổi số, địa phương đã sớm xây dựng Kế hoạch chuyển đổi số ngành nông nghiệp và Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Kết quả, chỉ trong một thời gian ngắn, ngoài số hóa lĩnh vực hành chính công, tỉnh đã khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng công nghệ thông tin vào trong quá trình sản xuất, kinh doanh.

Cụ thể, tỉnh đã đưa vào vận hành hệ thống quản trị Chương trình OCOP Hà Tĩnh; hệ thống chấm điểm, đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP; quản lý các sản phẩm OCOP và kênh thông tin thương mại sản phẩm OCOP Hà Tĩnh được tích hợp trên website https://dlsntm.vn/, bước đầu đem lại những nguồn lợi kinh tế nhất định cho người dân.

Chuyển đổi số đã mang lại những kết quả tích cực không chỉ trong nâng cao chất lượng, năng suất mà còn cải thiện đáng kể về cách thức quản lý, phương thức kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp.

Tương lai mới cho phong trào xây dựng nông thôn mới

Theo TS Hoàng Bảo Hùng, Trung tâm Công nghệ thông tin (CNTT) tỉnh Thừa Thiên Huế, công nghệ số đã và đang mở ra tương lai mới cho phong trào xây dựng NTM thông minh với mô hình xã thông minh kết nối dịch vụ đô thị thông minh tại nhiều tỉnh, thành phố trong đó có tỉnh Thừa Thiên Huế. Mô hình xã thông minh được xây dựng trên lõi hạt nhân là chính quyền điện tử cấp xã với sự phân tích và trích xuất các giá trị bản địa, đặc sắc của xã hội nông thôn: chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số; tạo lập xã hội nông thôn số, hình thành chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững theo hướng hàm lượng công nghệ số. Giải pháp thực hiện đó là nâng cấp hệ thống hạ tầng CNTT cấp xã: máy tính đường truyền, hệ thống giám sát, hệ thống cáp quang, phổ cập điện thoại thông minh, hệ thống dịch vụ hành chính, hướng đến sự tiện ích, thuận lợi nhất cho người dân, nhất là trong sản xuất nông nghiệp, chế biến và tiêu thụ nông sản .

Mô hình trồng dưa lưới Nhật Bản trong nhà màng của công ty đầu tư nông nghiệp công nghệ cao Trường Thịnh tại tỉnh Hòa Bình. (Ảnh: Kế Toại)

Theo Chánh Văn phòng điều phối NTM trung ương Nguyễn Minh Tiến, sau 10 năm triển khai xây dựng NTM, ngành nông nghiệp đã bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến các giải pháp chuyển đổi số và ứng dụng trong hầu hết các lĩnh vực sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản. Việc ứng dụng công nghệ số chính là giải pháp mang tính đột phá để có thể giải quyết những khó khăn, nút thắt trong quá trình xây dựng NTM ở Việt Nam.

Tuy nhiên, trên thực tế, tại một địa phương sớm tiếp cận và triển khai chuyển đổi số như tỉnh Hà Tĩnh, tính đến thời điểm hiện toàn tỉnh mới có 20 cơ sở được chọn làm điểm chuyển đổi số. Đây là con số còn khiêm tốn so với tiềm năng của tỉnh. Nguyên nhân được chỉ ra là do cơ chế, chính sách khuyến khích, thúc đẩy chuyển đổi số còn nhiều bất cập.

Để gỡ khó trong chuyển đổi số, Phó Trưởng phòng Phòng Chuyển đổi số, Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Văn Thịnh cho biết, lĩnh vực cần ưu tiên chuyển đổi số hiện nay chính là nông nghiệp với định hướng: Phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng chú trọng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế.

Được biết, cùng với sự nỗ lực của Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng tiến hành cung cấp một số nền tảng dạy và học trực tuyến do các doanh nghiệp như Viettel, VNPT thực hiện, để trang bị kiến thức cho đối tượng có nhu cầu trong đó có doanh nghiệp, người dân để thúc đẩy chuyển đổi số.

Phía Bộ NN và PTNT cũng quyết định đưa nội dung về công nghệ số trong NTM thành một nội dung trọng tâm để tập trung chỉ đạo thực hiện trong đoạn 2021-2025. Nếu Đề án trên được thực hiện, kết hợp với những kinh nghiệm chuyển đổi số tích cực tại các địa phương, chắc chắn công nghệ số sẽ là đòn bẩy thúc đẩy xây dựng NTM, NTM thông minh sớm về đích.

SƠN HÀ

VTEC là đơn vị có nhiều năm kinh nghiệm trong việc cung cấp các giải pháp CNTT trong các lĩnh vực giáo dục, chính phủ điện tử và số hóa doanh nghiệp.
Để hợp tác triển khai các giải pháp CNTT, mời quý khách liên hệ với chúng tôi:
- Email: contact@vtec.com.vn
- Hotline: 0989.602.705