Cung cấp danh mục giải pháp chuyển đổi số khả thi cho doanh nghiệp sản xuất Việt Nam

Một trong ba thành phần của khung hướng dẫn chuyển đổi số cho doanh nghiệp sản xuất mới được VINASA phát hành miễn phí trên trang mdx.vinasa.org.vn là Danh mục các sản phẩm và giải pháp chuyển đổi số khả thi tại Việt Nam.

Chuyển đổi số sẽ giúp các doanh nghiệp sản xuất bứt phá

Công bố phát hành khung hướng dẫn chuyển đổi số cho doanh nghiệp sản xuất là một hoạt động trọng tâm trong ngày 2/12, ngày thứ hai của Diễn đàn chuyển đổi số Việt Nam - Vietnam DX Summit 2021.

Sản xuất công nghiệp Việt Nam sử dụng một lượng lớn lao động và chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế Việt Nam, góp 16,7% vào GDP năm 2020 và đang hướng tới mục tiêu đạt 25% vào năm 2025. Tuy vậy, hiện nay các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp Việt Nam còn tồn tại nhiều điểm yếu về quy trình nghiệp vụ, cơ sở hạ tầng, thiết bị, ứng dụng công nghệ, tự động hóa trong vận hành, quản lý, giao dịch, kinh doanh…

Các chuyên gia nhận định chuyển đổi số sẽ mang lại cơ hội để các doanh nghiệp ổn định sản xuất, vượt qua thách thức và nắm cơ hội bứt phá phát triển vượt bậc, là câu chuyện sống còn của các doanh nghiệp sản xuất.

Chuyên gia VINASA nhận định, chuyển đổi số giờ đây đang là câu chuyện sống còn với các doanh nghiệp sản xuất (Ảnh minh họa: Internet)

Để hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi số, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) đã tập hợp Hội đồng xây dựng khung hướng dẫn chuyển đổi số cho doanh nghiệp sản xuất gồm hơn 20 chuyên gia từ các tập đoàn lớn đang tư vấn và thực hiện chuyển đổi số cho các doanh nghiệp sản xuất.

Hội đồng đã phân tích cách thức vận hành của các nhà máy lớn trên thế giới để nắm rõ quy trình hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất, từ đó xây dựng khung hướng dẫn chuyển đổi số tổng thể cho các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam. Sau 5 tháng, khung hướng dẫn đã hoàn thành và vừa được công bố phát hành.

Toàn bộ tài liệu về khung hướng dẫn hiện đã được cung cấp miễn phí trên website mdx.vinasa.org.vn. Các doanh nghiệp sản xuất đã có thể đánh giá mức độ chuyển đổi số, so sánh với các chỉ số của từng ngành và tải tài liệu để nghiên cứu, áp dụng. Các doanh nghiệp và các sở, ban, ngành, khu công nghiệp, hiệp hội quan tâm cũng đã có thể đăng ký tập huấn, tư vấn chuyên sâu với các thành viên Hội đồng, các chuyên gia tại mdx.vinasa.org.vn.

Ba thành phần chính của khung hướng dẫn

Khung hướng dẫn chuyển đổi số cho doanh nghiệp sản xuất gồm 3 thành phần chính: Bộ công cụ đánh giá mức độ chuyển đổi số của doanh nghiệp sản xuất; Các phương pháp luận chuyển đổi số và mô hình tham chiếu; Danh mục các sản phẩm và giải pháp chuyển đổi số khả thi tại Việt Nam.

Toàn bộ tài liệu về khung hướng dẫn hiện đã được cung cấp miễn phí trên trang mdx.vinasa.org.vn.

Trong đó, bộ công cụ đánh giá mức độ chuyển đổi số dành riêng cho doanh nghiệp sản xuất được xây dựng trực tuyến và hoàn toàn miễn phí cho các doanh nghiệp với 16 chỉ số đánh giá thuộc 3 khối nền tảng gồm: Quy trình, Công nghệ và Tổ chức doanh nghiệp. Mỗi khía cạnh sẽ được đánh giá bằng một điểm số để lượng hóa các nhận định định tính.

Sau khi thực hiện đánh giá, các chỉ số của doanh nghiệp sẽ được so sánh với chỉ số tốt nhất, chỉ số trung bình của từng ngành cụ thể. Những chỉ số này sẽ được cập nhật thường xuyên, tự động theo số liệu đánh giá của doanh nghiệp Việt Nam trên bộ công cụ đánh giá.

Để đo lường chính xác được mức độ, phía sau bộ công cụ đánh giá là 1 hệ thống phương pháp luận với các phần chính là: Khung đánh giá mức độ chuyển đổi số của doanh nghiệp là một thước đo tổng hợp 16 khía cạnh trong hoạt động của doanh nghiệp; Khung triển khai là phương pháp luận tổng quát để thực hiện việc đánh giá, kiểm tra và rà soát hoạt động chuyển đổi số; Ma trận đánh giá mức độ ưu tiên chuyển đổi số cũng là một công cụ không phức tạp, nhưng để sử dụng nó cần các chỉ số đầu tư và hoạt động định lượng của doanh nghiệp, đặc biệt là các chỉ số tài chính.

Về khung tham chiếu, thành phần này Hội đồng xây dựng dựa trên một số mô hình sản xuất thông minh trong nước và quốc tế như mô hình của Hiệp hội Sản xuất Mỹ, lõi quản trị doanh nghiệp của Oracle, hay mô hình Digital Ideas cho nhà máy của FPT. Đây là những mô hình được các chuyên gia đánh giá là hợp lý và khả thi với doanh nghiệp Việt Nam.

Đáng chú ý, với danh mục các sản phẩm và giải pháp chuyển đổi số khả thi tại Việt Nam, thành phần thứ ba của khung hướng dẫn chuyển đổi số cho doanh nghiệp sản xuất, các sản phẩm và giải pháp đã được lựa chọn theo 3 tiêu chí: Phù hợp với mục tiêu chuyển đổi số 16 khía cạnh trong hoạt động của doanh nghiệp sản xuất; Có thể tiếp cận được tại Việt Nam, đặc biệt là có thể tìm được nhà cung cấp sản phẩm, giải pháp và dịch vụ tại chỗ; Được cung cấp bởi các đơn vị có kinh nghiệm và năng lực tư vấn và triển khai hiệu quả.

Ông Nguyễn Quân, Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng xây dựng khung hướng dẫn chuyển đổi số cho doanh nghiệp sản xuất chia sẻ: "Nỗ lực của các chuyên gia trong mấy tháng vừa qua đã cho ra được 1 bộ công cụ, tài liệu hoàn chỉnh về chuyển đổi số cho các doanh nghiệp sản xuất".

Được sự bảo trợ của Bộ TT&TT, sắp tới VINASA cùng các doanh nghiệp đồng hành, các thành viên Hội đồng sẽ phối hợp với các Hiệp hội ngành hàng, các sở, ban, ngành quản lý sản xuất công nghiệp tại các địa phương tổ chức các chương trình đào tạo, tập huấn cho doanh nghiệp sản xuất.

Ngay tại sự kiện công bố khung hướng dẫn chuyển đổi số cho các doanh nghiệp sản xuất, VINASA cũng đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với Hội Tự động hóa Việt Nam và Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam để triển khai các hoạt động tập huấn, hướng dẫn chuyển đổi số cho cho các doanh nghiệp hội viên của 2 hiệp hội này.

Vân Anh

VTEC là đơn vị có nhiều năm kinh nghiệm trong việc cung cấp các giải pháp CNTT trong các lĩnh vực giáo dục, chính phủ điện tử và số hóa doanh nghiệp.
Để hợp tác triển khai các giải pháp CNTT, mời quý khách liên hệ với chúng tôi:
- Email: contact@vtec.com.vn
- Hotline: 0989.602.705
Trân trọng được hợp tác cùng Quý đối tác !