Chuyển đổi số trong ngành giáo dục: Thích ứng để nâng cao chất lượng dạy và học
“Lớp học ảo”, “lớp học đảo ngược”
Trường THCS Việt Tiến (Việt Yên) là một trong hai đơn vị (cùng với THCS Tam Hiệp, huyện Yên Thế) được Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) triển khai thí điểm CĐS năm học 2021-2022. Theo đó, nhà trường phối hợp với Viettel Bắc Giang tạo tài khoản định danh hỗ trợ K12 Online (tài khoản hỗ trợ CĐS) cho 42 cán bộ, giáo viên và 817 học sinh toàn trường; tập huấn phương pháp thiết kế bài giảng điện tử và quy trình dạy học trên nền tảng công nghệ cho đội ngũ.
Cán bộ, giáo viên Trường THPT Lục Nam ứng dụng sổ điểm, học bạ điện tử.
Để thuận lợi cho việc triển khai, UBND huyện Việt Yên hỗ trợ nhà trường 20 máy tính xách tay. Xác định đây là nhiệm vụ khó khăn song cũng là giải pháp tất yếu để thúc đẩy CĐS, thực hiện hiệu quả mục tiêu đổi mới, nâng chất lượng giáo dục, vì vậy, cán bộ quản lý, giáo viên nhà trường đều nghiêm túc triển khai.
Thực nghiệm theo phương pháp “lớp học đảo ngược” và “lớp học ảo” ứng dụng nền tảng công nghệ CĐS K12 Online đối với môn Lịch sử, Sinh học lớp 8, cho thấy học sinh hào hứng hơn, hoạt động đọc - chép, thầy giảng - trò nghe truyền thống đã giảm rõ rệt, thầy trò tập trung trao đổi, thảo luận.
Điểm khác biệt lớn của phương pháp dạy học này là giáo viên soạn nội dung ngắn ngọn, trọng tâm của bài học trên nền tảng công nghệ K12 Online trước đó ít nhất một ngày để học sinh sử dụng tài khoản cá nhân chủ động nghiên cứu. Thời gian ở lớp dành cho hoạt động trao đổi, thảo luận, giải đáp, luyện tập vận dụng kiến thức từ cơ bản đến nâng cao nên mọi học sinh với mức độ nhận thức khác nhau đều có thể tiếp cận được.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thiết, Hiệu trưởng Trường THCS Việt Tiến cho biết: "Ưu điểm nổi bật của nền tảng K12 Online là tự động điểm danh, xác thực thông tin người học; tự chấm điểm các bài kiểm tra, đánh giá năng lực; hệ thống tự động ghi lại quá trình học giúp học sinh về nhà có thể xem lại bài giảng; kho học liệu đa dạng, phong phú giúp học sinh, giáo viên khai thác, tìm hiểu thông tin mọi lúc, mọi nơi".
Tuy nhiên, yêu cầu để giảng dạy với mô hình mới là đường truyền Internet ổn định, giáo viên có máy tính xách tay, lớp học có tivi cảm ứng, camera 360 độ; học sinh chủ động nghiên cứu bài học tại nhà trước khi đến lớp. Với phương pháp mới, giáo viên sử dụng thuần thục các kỹ thuật số trên nền tảng công nghệ, đóng vai trò trợ giảng, người dẫn dắt, khơi gợi cho học sinh tìm hiểu kiến thức, phát huy được tính chủ động của người học.
Số hóa sổ điểm, học bạ
Ngành Giáo dục có lực lượng đông đảo cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh nên thông tin dữ liệu quản lý vô cùng lớn. Để giải quyết bài toán giảm tải áp lực hồ sơ sổ sách cho các thầy cô, năm học trước, Sở GD&ĐT đã triển khai số hóa sổ điểm, học bạ thí điểm ở 13 trường với các khối lớp khác nhau.
Một giờ học thực nghiệm chuyển đổi số tại Trường THCS Việt Tiến (Việt Yên).
Năm nay, nội dung này được triển khai trên toàn tỉnh, qua đó thay sổ điểm, học bạ giấy của 400 nghìn học sinh cấp tiểu học, THCS, THPT, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên. Giáo viên chỉ cần một lần nhập điểm trên thiết bị (bằng điện thoại thông minh hoặc máy tính xách tay có kết nối mạng Internet), dữ liệu sẽ được trích xuất sang sổ điểm, học bạ điện tử cá nhân học sinh và chuyển đến điện thoại thông minh của phụ huynh thông qua công cụ hỗ trợ EnetViet.
Ông Nguyễn Văn Thêm, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT khẳng định: “Do được tích hợp với Cơ sở dữ liệu ngành nên lãnh đạo các cấp quản lý từ phòng tới bộ có thể khai thác dữ liệu ở đơn vị mình quản lý mọi lúc, mọi nơi mà không cần chờ cấp dưới báo cáo. Vì thế nhanh, tiện lợi hơn nhiều lần so với quy trình trước đây”.
Cô Nguyễn Phương Lan, Hiệu trưởng Trường THPT Lục Nam thông tin, năm học này trường có gần 2 nghìn học sinh. Khi sổ điểm, học bạ điện tử triển khai toàn diện sẽ giải phóng sức lao động cho giáo viên rất nhiều, tránh được sai sót, nhầm lẫn. Nhiều giáo viên ở các huyện, TP cũng bày tỏ, thay vì phải “bơi” trong hồ sơ như trước, nhất là dịp đầu năm và cuối năm học thì nay thầy cô có thêm thời gian để đầu tư cho chuyên môn.
Tiếp tục đầu tư hạ tầng, thiết bị phục vụ dạy và học
Xác định đội ngũ cán bộ đóng vai trò quan trọng trong lộ trình thực hiện CĐS, lãnh đạo Sở GD&ĐT cho biết sẽ tiếp tục quán triệt các văn bản chỉ đạo của T.Ư, của tỉnh, ngành về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và CĐS. Giải pháp trước mắt là các trường khẩn trương rà soát, kết chuyển dữ liệu trên Hệ thống cơ sở dữ liệu ngành năm học 2020-2021 sang năm học 2021-2022; bổ sung đầy đủ dữ liệu học sinh để sẵn sàng phục vụ công tác báo cáo khi cần.
Hưởng ứng chương trình "Sóng và máy tính cho em" do Thủ tướng Chính phủ phát động, đến ngày 29/9, ngành Giáo dục Bắc Giang đã vận động các tổ chức, cá nhân hảo tâm ủng hộ 532 thiết bị gồm: 70 máy vi tính, 325 điện thoại thông minh, 18 máy tính bảng, 120 sim 4G và 392 triệu đồng.
Cùng đó, các trường tận dụng tối đa nền tảng trực tuyến hướng dẫn học sinh tự học, tăng cường nguồn học liệu số hỗ trợ giáo viên, học sinh triển khai các hoạt động dạy và học.
Phối hợp với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bồi dưỡng kỹ năng tổ chức, quản lý các hoạt động dạy học trực tuyến gồm: Tổ chức và quản lý lớp học trực tuyến, xây dựng học liệu, khai thác các nguồn học liệu trên Internet; kỹ năng sử dụng các phần mềm mô phỏng, thí nghiệm ảo trong dạy học, khai thác sử dụng các thiết bị công nghệ để đổi mới nội dung, phương pháp dạy học; kỹ năng tổ chức và quản lý các hoạt động dạy học trực tuyến.
Theo ông Trần Thanh Sơn, Trưởng Ban Giáo dục (Viettel Bắc Giang), đơn vị sẽ hỗ trợ các trường khảo sát, tư vấn xây dựng hạ tầng Internet bảo đảm chất lượng; cung cấp nền tảng phần mềm học và thi trực tuyến K12 Online và xây dựng các nội dung hỗ trợ hoạt động dạy và học, kiểm tra, thi.
Thời gian tới, các địa phương cần quan tâm bố trí kinh phí từ ngân sách cho việc đầu tư thiết bị dạy học trực tuyến. Toàn tỉnh có hơn 6,2 nghìn học sinh hoàn cảnh khó khăn chưa có thiết bị để học trực tuyến. Ngành Giáo dục tiếp tục vận động các tổ chức, cá nhân quan tâm hỗ trợ thiết bị giúp các em có đủ điều kiện tham gia CĐS.
Bài, ảnh: Hải Vân
VTEC Software là đơn vị có nhiều năm kinh nghiệm trong việc triển khai chuyển đổi số trong các lĩnh vực giáo dục, chính phủ điện tử và số hóa doanh nghiệp. Để hợp tác triển khai chuyển đổi số quý đơn vị, xin mời liên hệ với chúng tôi: - Email: contact@vtec.com.vn - Hotline: 0989.602.705 |