Chuyển đổi số - giải pháp để du lịch nông thôn 'cất cánh'

Phát triển du lịch nông thôn trong Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 được xác định là một trong những động lực đem lại việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn; đồng thời bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, bảo vệ môi trường.

Ngày 2/10, Diễn đàn “Xúc tiến, quảng bá sản phẩm du lịch nông thôn thông qua chuyển đổi số” được tổ chức trực tuyến dưới sự chủ trì của lãnh đạo Bộ VH,TT&DL và Bộ NN&PTNT, cùng sự tham gia của một số hiệp hội, doanh nghiệp.

Doanh nghiệp từng bước tiếp cận

Chia sẻ tại Diễn đàn, ông Lã Quốc Khánh - Thành viên HĐQT Công ty CP Du lịch và tiếp thị giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel), cho rằng thời kỳ hậu Covid-19, du lịch nông thôn là một trong những sản phẩm cần được hồi phục sớm. Để nâng cao sức hấp dẫn của các mô hình du lịch nông thôn, Vietravel đã áp dụng và cung ứng nền tảng công nghệ thông tin phục vụ cho khách hàng.

Du lịch nông thôn thu hút một lượng lớn du khách nước ngoài tham gia trải nghiệm. Ảnh minh họa

Phía công ty cũng tăng cường công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo) để tạo hấp dẫn cho du khách. Đồng thời xây dựng hộp chat trí tuệ nhân tạo để thu thập thị hiếu của người du lịch. Theo ông Khánh, nếu tất cả các doanh nghiệp, địa phương cùng làm, cùng chia sẻ thì khách hàng sẽ là người được hưởng thụ những lợi ích đó.

Trong khi đó, bà Nhữ Thị Ngần - Tổng Giám đốc Hanoi Tourism, cho biết công ty đã ứng dụng chuyển đổi số từ nhiều năm nay. Phần lớn khách hàng công ty khai thác là từ công nghệ số. Tuy nhiên, trong thực tế triển khai, công ty gặp một số khó khăn trong việc phát triển du lịch nông thôn. Đó là rào cản về ngôn ngữ hoặc những sản phẩm OCOP, đặc sản, đặc trưng của địa phương lại chưa đảm bảo việc đóng gói, bảo quản, vận chuyển.

Theo bà Ngần, một số nơi nông thôn mới phát triển quá nhanh. Người dân bỏ nhiều văn hóa truyền thống, để “bêtông hóa”,“đô thị hóa” khiến trải nghiệm của du khách suy giảm. Do đó, bà Ngần kiến nghị các cơ quan quản lý phối hợp, tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu, phát triển những giá trị thặng dư như truy xuất được nguồn gốc đặc sản, sản phẩm OCOP, sản phẩm bán đồng giá… Địa phương cần xây dựng chương trình đào tạo cho bà con, tránh tình trạng “bêtông hóa” kiến trúc, văn hóa đặc trưng của bản địa.

Giải pháp nào để du lịch nông thôn “cất cánh”

Theo thống kê, Việt Nam hiện có 3 loại hình du lịch nông thôn là du lịch cộng đồng, du lịch canh nông và du lịch sinh thái. Cả nước có khoảng 365 điểm du lịch nông thôn và hơn 2.000 làng nghề truyền thống có tiềm năng về du lịch. Việc chuyển đổi số trong du lịch nông thôn được kỳ vọng là giải pháp giúp thu hút được thêm du khách, hỗ trợ du khách chuẩn bị chuyến đi dễ dàng hơn, cung cấp dịch vụ tốt hơn.

Ông Lê Bá Ngọc - Phó Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam (Vietcraft), đưa ra 3 đề xuất để phát triển du lịch nông thôn. Theo ông Ngọc, điều đầu tiên là cần cho phép kết hợp với các tổ chức quốc tế để xúc tiến và quảng bá các sản phẩm du lịch nông thôn của Việt Nam. Thứ nữa là cho phép các tổ chức, doanh nghiệp như Vietcraft phối hợp với Bộ NN&PTNT, một số tỉnh, TP thực hiện xúc tiến, quảng bá sản phẩm du lịch nông thôn thông qua chuyển đổi số cho 6 mô hình tiêu biểu gồm: du lịch cộng đồng; du lịch nông nghiệp; du lịch sinh thái gắn với các khu bảo tồn, vườn quốc gia; du lịch làng nghề; du lịch làng thông minh; du lịch không phát thải.

Cuối cùng, Bộ NN&PTNT và Bộ VH,TT&DL cần sớm việc xây dựng cơ sở dữ liệu số hóa Quốc gia các giá trị văn hóa vật thể và phí phục vụ phát triển du lịch của 54 dân tộc Việt Nam. Phấn đấu đạt được mục tiêu đến năm 2025, cả nước có 50% làng nghề truyền thống tham gia vào chuỗi giá trị du lịch nông thôn.

Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Đoàn Văn Việt cho rằng, để phát triển du lịch nông thôn thông qua chuyển đổi số, cần có sự đầu tư bài bản. Nhiều sản phẩm nông nghiệp hiện đang gặp phải sự trùng lặp. Muốn nâng cao chất lượng du lịch nông thôn thông qua chuyển đổi số có thể hỗ trợ, chọn lựa những mô hình, trào lưu mới.

Theo Thứ trưởng Đoàn Văn Việt, du lịch nông nghiệp nông thôn cần tận dụng nguồn lực từ Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Các địa phương cần có những kiến nghị để có thể phát triển ngành du lịch nông thôn bản địa. Các doanh nghiệp du lịch cần đầu tư chuyển đổi số, tăng cường năng lực, kết nối cho người nông dân phát triển du lịch nông thôn.

Đánh giá du lịch nông thôn đang là xu thế, cần khai thác hiệu quả, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho rằng, điều cần làm là kết nối và quảng bá sản phẩm cho các địa phương. Các mô hình du lịch nông thôn rất đa dạng nhưng cần phải có điểm chung là đảm bảo được giá trị nhân văn, văn hóa, mang sắc thái của từng địa phương. “Sau Diễn đàn này, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với Bộ VH,TT&DL nghiên cứu, bàn thảo để có những chương trình phát triển sát với mục tiêu mà các đại biểu đã nêu. Trong đó, chú trọng các giải pháp về chuyển đổi số nhằm chuyên nghiệp hóa chuỗi giá trị từ du lịch nông thôn...” -Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho hay.

Hiện nay du lịch nông thôn, sinh thái chiếm khoảng 10% tỷ lệ du lịch và cho doanh thu khoảng 30 tỷ USD/năm trên toàn cầu. Ngoài ra, tỷ lệ tăng trưởng của du lịch nông thôn hàng năm từ 10-30% trong khi du lịch truyền thống chỉ là 4%.

Trọng Tùng

VTEC là đơn vị tiên phong trong việc triển khai trong các giải pháp công nghệ mới, trong đó bao gồm các giải pháp tổng thể phần cứng, phần mềm CNTT, triển khai hạ tầng tin học viễn thông cho các công trình.
Để hợp tác triển khai các công nghệ mới, mời quý khách liên hệ với chúng tôi:
- Email: contact@vtec.com.vn
- Hotline: 0989.602.705