Chống tham nhũng ở nước lương Thủ tướng cao nhất thế giới

Singapore thực hiện chính sách 3 không - không dám, không cần và không thể tham nhũng. Thủ tướng Lý Hiển Long có mức lương cao gấp 4 lần Tổng thống Mỹ.

Cũng như nhiều quốc gia châu Á, Singapore từng bị vấn nạn tham nhũng hoành hành. Khi đó, tham nhũng được nhìn nhận là “lợi lớn, rủi ro thấp”, được xem là lẽ thường tình, là lối sống của không ít cán bộ các cấp.

Thủ tướng Lý Hiển Long thăm một trung tâm mới của Cục Điều tra tham nhũng Singapore. Ảnh: Straitstimes

Chính quyền mới của đảng Nhân dân hành động, với quyết tâm chính trị cao độ, đã xác định trừ diệt tham nhũng, xây dựng một chính phủ trong sạch và hiệu quả là vấn đề sống còn đối với đất nước.

Tổ chức đầy uy lực, toàn quyền điều tra mọi nghi phạm tham nhũng

Trước hết, Singapore ban hành luật Phòng chống tham nhũng mới vào năm 1960 thay thế pháp lệnh năm 1937. Luật có phạm vi bao phủ chống tham nhũng ở cả lĩnh vực nhà nước lẫn tư nhân, cả trong nước cũng như công dân Singapore ở nước ngoài. Hình phạt tăng lên 5 năm tù giam và phạt 10.000 đô la Singapore (S$), đồng thời buộc hoàn trả số tiền tham nhũng…

Vào các năm 1963, 1966, 1981…, Singapore tiến hành sửa đổi, bổ sung hay ra luật mới để khắc phục lỗ hổng hay những vấn đề chưa được lường tới, để xóa bỏ mọi “vùng cấm” trong chống tham nhũng.

Năm 1966, 2 nội dung quan trọng được bổ sung. Trong đó, mục 28 quy định rằng một người có thể bị kết tội tham nhũng - dù chưa nhận hối lộ - khi có đủ chứng cứ chứng minh người đó có chủ đích nhận. Năm 1989 và 1999, Singapore ban hành luật Chống tham nhũng mới, quy định chặt chẽ và cụ thể về tiền tham nhũng, về bổ nhiệm Cục trưởng và cán bộ Cục Điều tra tham nhũng, các hình phạt áp dụng, thẩm quyền của các ủy viên công tố trong điều tra.

Những đặc điểm đáng lưu ý trong luật là người giữ chức vụ càng cao mà tham nhũng thì bị xử phạt càng nặng, nghi phạm có nghĩa vụ chứng minh tài sản mình có được là hợp pháp. Bất kỳ sự giàu có nào không giải trình rõ ràng về nguồn gốc, không tương xứng với thu nhập sẽ bị coi là nhận hối lộ và có thể bị tịch thu.

Ngoài ra, Singapore cải tổ Cục Điều tra tham nhũng thành lập từ năm 1952 nhằm tăng quyền lực, nhân lực và tài chính. Nhân lực được tuyển chọn từ những cảnh sát giỏi về điều tra tham nhũng nên có nhiều kinh nghiệm.

Thẩm quyền và sự độc lập của Cục được tăng mạnh mẽ. Cụ thể, mục 4 cho phép Cục trưởng bổ nhiệm điều tra viên đặc biệt và điều tra viên đặc biệt cao cấp. Mục 15 cho phép Cục bắt giữ và khám xét nghi phạm tham nhũng. Mục 17 cho phép Cục trưởng và điều tra viên đặc biệt cao cấp điều tra bất cứ tài khoản ngân hàng, cổ phần, tài khoản mua bán của bất cứ nghi phạm tham nhũng nào.

Mục 20 cho phép Cục Điều tra tham nhũng khám xét và phong tỏa bất cứ nơi tình nghi nào… Cán bộ của Cục có thể phong tỏa và thu giữ tài liệu khi có lệnh của Cục trưởng… Điều này tạo thuận lợi rất lớn trong phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi tham nhũng.

Cục Điều tra tham nhũng gần như độc lập hoàn toàn với các cơ quan nhà nước khác. Sau nhiều lần thay đổi, kể từ năm 1969, thuộc Văn phòng Thủ tướng, Cục trưởng do Thủ tướng bổ nhiệm và báo cáo trực tiếp Thủ tướng. Từ năm 1991, điều 22G của Hiến pháp còn cho phép Cục trưởng tiếp tục điều tra các bộ trưởng và công chức cao cấp bị tình nghi tham nhũng ngay cả khi Thủ tướng không phê chuẩn nhưng được sự phê chuẩn của Tổng thống.

Nhờ có toàn quyền điều tra bất cứ ai bị tình nghi, Cục đã không ngần ngại điều tra và truy tố các nhà lãnh đạo chính trị, các quan chức cao cấp dính líu tới tham nhũng.

Thực tế, hàng loạt nhân vật “tai to mặt lớn” đã bị đưa ra xét xử và kết tội tham nhũng. Bộ trưởng Phát triển đất nước Tan Kia Gan bị điều tra năm 1966 và bị cách toàn bộ chức vụ. Bộ trưởng Nhà nước Wee Toon Boon bị điều tra năm 1975 và bị kết án 4 năm 6 tháng tù giam. Bộ trưởng Phát triển đất nước Teh Cheang Wan, bị điều tra năm 1986, đã tự tử trước khi bị kết án…

Báo chí được khuyến khích tham gia chống tham nhũng, được tạo điều kiện để đưa tin đầy đủ về tham nhũng, có thể tiếp cận Cục Điều tra tham nhũng để trao đổi các thông tin mà không gặp bất kỳ trở ngại nào. Sự tham gia tích cực của báo chí giúp phanh phui nhiều vụ tham nhũng, góp phần tạo ra “văn hóa chống tham nhũng”.

Đặc biệt, một biện pháp rất lợi hại được Singapore sử dụng khiến cán bộ không dám tham nhũng, đó là hàng tháng, lương công chức được trích một phần theo tỷ lệ quy định để gửi vào Quỹ dự phòng trung ương, mức khởi đầu là 5%, tăng dần theo tỷ lệ tăng lương, chức vụ càng cao thì tỷ lệ càng lớn, có thể lên tới vài chục phần trăm.

Khi nghỉ hưu, họ được lĩnh số tiền đó. Nếu phạm tội tham nhũng, số tiền đó bị trưng thu. Bởi vậy, ít công chức dám tham nhũng, nhất là những người có chức vụ cao, công tác lâu năm lại càng không dám “mạo hiểm” để rồi mất tất cả.

Lương cao

Từ những năm đầu thập kỷ 1970, sau nhiều năm kinh tế tăng trưởng tốt, Singapore chú trọng thực hiện chính sách không cần tham nhũng với biện pháp chính là trả lương cao.

Cố Thủ tướng Lý Quang Diệu nhấn mạnh rằng, trả lương thấp cho cán bộ là nguy hiểm, dù đó là một cảnh sát hay nhân viên hải quan, vì như vậy họ phải bằng mọi cách “kiếm” thêm để nuôi gia đình.

Công chức Singapore được trả lương cao. Ảnh: Straitstimes

Từ tháng 3/1972, công chức được hưởng tháng lương thứ 13. Hai 2 năm một lần, chính phủ khảo sát để điều chỉnh lương của khu vực công tương ứng với khu vực tư nhân.

Ngoài lương, công chức còn được thưởng. Tháng 10/1994, Singapore ra “Sách trắng về chế độ lương cạnh tranh vì một chính phủ có năng lực và trong sạch”, quy định lương bộ trưởng và công chức cao cấp tương đương mức trung bình của 4 người hưởng lương cao nhất trong 6 ngành nghề của khu vực tư nhân là kế toán, ngân hàng, kỹ sư, luật, doanh nghiệp chế tạo trong nước và công ty đa quốc gia.

Mức lương bộ trưởng và công chức cao cấp được xem xét điều chỉnh thường xuyên để cạnh tranh được với khu vực tư nhân. Hiện nay, Thủ tướng Lý Hiển Long là nhà lãnh đạo có mức lương cao nhất thế giới với 1,6 triệu USD/năm, gấp 4 lần lương của người đứng thứ 2 là Tổng thống Mỹ với 400.000 USD.

Singapore còn chú trọng sàng lọc để loại bỏ cán bộ tham nhũng, yếu kém. Hàng năm, công chức được đánh giá toàn diện để xếp loại và xem xét triển vọng nghề nghiệp. Mỗi năm, nước này có khoảng 5% công chức không đáp ứng yêu cầu, phải rời vị trí.

Kiểm soát chặt chẽ chất lượng đầu vào được xem là biện pháp quan trọng trong chống tham nhũng. Thực tế cho thấy việc tuyển chọn lãnh đạo đất nước và công chức, nhất là công chức hành chính, được thực hiện kỹ lưỡng. Các ứng viên đều được Cục Điều tra tham nhũng đánh giá để đảm bảo chỉ những ứng viên trong sạch được tuyển vào bộ máy công quyền.

Tịch thu tài sản tăng lên không rõ nguồn

Kê khai tài sản minh bạch là biện pháp được sử dụng khiến cán bộ không thể tham nhũng. Hàng năm, cán bộ từ trung ương tới cơ sở đều phải kê khai tài sản của bản thân và của vợ (chồng) bao gồm: Thu nhập, tiền gửi tiết kiệm, tiền cổ phiếu, đồ trang sức, ô tô, nhà đất. Những tài sản tăng lên so với năm trước đều phải giải trình rõ nguồn gốc, nếu không sẽ bị tịch thu.

Từ năm 1983, Singapore xây dựng chính phủ điện tử và công dân điện tử, đẩy mạnh sử dụng công nghệ thông tin trong các giao dịch nhằm rút ngắn thời gian, giảm tiếp xúc trực tiếp giữa cán bộ và người dân, cắt giảm tối đa các thủ tục nhiêu khê gây phiền hà cho dân chúng và do vậy, giảm cơ hội tham nhũng.

Hiện nay, Singapore thuộc nhóm những nước dẫn đầu về phát triển chính phủ số. Nước này đã xây dựng nhiều nền tảng số quy mô quốc gia với quy trình được chuẩn hóa, công việc được xử lý toàn bộ trên Internet để vừa tạo thuận tiện cho doanh nghiệp, người dân, vừa giảm thiểu tiêu cực.

Sự minh bạch thông tin còn giúp doanh nghiệp, người dân hiểu rõ hơn về luật pháp và các quy trình, thủ tục, đồng thời là kênh để đối chiếu việc thực thi luật pháp của cán bộ, chống lại sự vòi vĩnh.

TS Phạm Mạnh Hùng (Viện Kinh tế và chính trị thế giới) - TS Phạm Tuấn Anh (Học viện Kỹ thuật quân sự)

VTEC Software là đơn vị có nhiều năm kinh nghiệm trong việc triển khai chuyển đổi số trong các lĩnh vực giáo dục, chính phủ điện tử và số hóa doanh nghiệp.
Để hợp tác triển khai chuyển đổi số quý đơn vị, xin mời liên hệ với chúng tôi:
- Email: contact@vtec.com.vn
- Hotline: 0989.602.705
Trân trọng được hợp tác cùng Quý đối tác !